TTO – Nhiều dự án bất động sản đã giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp đã chuẩn bị năng lực tài chính nhưng ách tắc về các thủ tục pháp lý đầu tư nên chưa thể khởi công, buộc phải “đóng băng” nhiều năm, có dự án kéo dài 11 năm.
Chiều 11-6, ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) – cho biết hiệp hội này vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM, đề nghị xem xét tháo gỡ “vướng mắc” của 11 dự án bất động sản, nhà ở thương mại của 10 doanh nghiệp trên địa bàn TP, nâng tổng số dự án bất động sản chờ “gỡ vướng” tại TP.HCM lên con số 113 dự án.
Trong số 11 dự án này, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp vẫn là chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý trong đầu tư, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, nghĩa vụ nhà ở xã hội, nghĩa vụ tài chính bổ sung, chưa hoàn thành thủ tục giao đất… khiến các dự án ngưng trệ, thậm chí có dự án kéo dài đến 11 năm.
Trong đó, Công ty cổ phần dệt Đông Nam đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận giao đất và chuyển mục đích sử dụng đất cho Công ty CP Đông Nam để thực hiện dự án khu nhà ở – trung tâm thương mại và siêu thị Đông Nam, sớm đưa dự án vào hoạt động.
Công ty Kim Oanh đề nghị UBND TP.HCM xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư dự án khu nhà ở Trường Lưu.
Công ty TNHH đầu tư Metro Star kiến nghị UBND TP.HCM, Sở Kế hoạch và đầu tư chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư cho dự án Metro Star tại số 360 xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) để dự án tiếp tục triển khai, xem xét đưa dự án vào danh sách các dự án chậm triển khai do vướng mắc tại Sở Kế hoạch và đầu tư.
Công ty cổ phần bất động sản Nguyên Hồng kiến nghị UBND TP.HCM, Sở Kế hoạch và đầu tư chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư cho dự án khu chung cư thương mại, văn phòng Nguyên Hồng tại 18 Nguyên Hồng (quận Gò Vấp) để dự án tiếp tục triển khai và xem xét đưa dự án vào danh sách các dự án chậm triển khai do vướng mắc tại Sở Kế hoạch và đầu tư…
Trong số các dự án bất động sản đang gặp vướng, có dự án văn phòng đại diện, nhà khách tỉnh Hậu Giang và khu thương mại dịch vụ kết hợp căn hộ tại phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức) của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại Hậu Giang do vướng thủ tục pháp lý nên dự án đã kéo dài hơn 11 năm.
Theo doanh nghiệp này, việc chậm phê duyệt các thủ tục đầu tư đã dẫn tới việc doanh nghiệp không thể đưa dự án vào triển khai, hoạt động của công ty bị đình trệ hoàn toàn. Do đó, Công ty Hậu Giang kiến nghị UBND TP và các sở ban ngành xem xét, chấp thuận dự án được phép chuyển mục đích sử dụng đất, tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo.
Hay dự án Ihome tại 359 Phạm Văn Chiêu (phường 14, quận Gò Vấp) của Công ty cổ phần đầu tư Metro Star, do khu đất dự án có một phần diện tích 96m2 nằm bên trong ranh dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và chưa rõ nguồn gốc pháp lý nên đến nay vẫn chưa hoàn thiện thủ tục để cấp sổ hồng cho cư dân.
Do đó, công ty này kiến nghị các sở ngành công nhận bổ sung quyền sử dụng đất 96m2 của dự án trong thời gian sớm nhất và giải quyết hồ sơ cấp sổ hồng cho cư dân… tránh trường hợp người dân liên tục căn băng rôn đòi sổ hồng gây mất an ninh trật tự.
Danh sách 11 dự án bất động sản, nhà ở thương mại “gặp vướng” Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, 10 doanh nghiệp bất động sản đề nghị xem xét tháo gỡ “vướng mắc” về pháp lý và thủ tục đầu tư xây dựng của 11 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, cụ thể: 1. Dự án khu nhà ở phường Tân Phú, quận 7 của Công ty TNHH Dynamic Innovation. 2. Dự án khu nhà ở – trung tâm thương mại và siêu thị Đông Nam tại 727 Âu Cơ, phường Tân Thành, quận Tân Phú của Công ty CP dệt Đông Nam. 3. Dự án khu nhà ở Trường Lưu tại phường Long Trường, TP Thủ Đức của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh, TP.HCM. 4. Dự án Metro Star tại số 360 xa lộ Hà Nội, phường Phước Long A, TP Thủ Đức của Công ty TNHH đầu tư Metro Star. 5. Dự án khu chung cư thương mại, văn phòng Nguyên Hồng tại 18 Nguyên Hồng, phường 1, quận Gò Vấp của Công ty cổ phần bất động sản Nguyên Hồng. 6. Dự án Ihome tại 359 Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp của Công ty cổ phần đầu tư Metro Star. 7. Dự án thương mại văn phòng và căn hộ Leman Luxury 117 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu của Công ty cổ phần đầu tư Phương Nam Land. 8. Dự án khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc tại huyện Bình Chánh, TP.HCM của Công ty cổ phần sinh thái văn hóa Vĩnh Lộc. 9. Dự án cao ốc thương mại – dịch vụ và căn hộ Joy City tại phường An Lạc, quận Bình Tân của Công ty cổ phần đầu tư, dịch vụ và thương mại Hòa Anh Phát. 10. Dự án khu nhà ở cán bộ, chiến sĩ Công an TP.HCM tại số 20/2 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 của Công ty cổ phần đầu tư Phú Cường. 11. Dự án văn phòng đại diện, nhà khách tỉnh Hậu Giang và khu thương mại dịch vụ kết hợp căn hộ tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại Hậu Giang. |
Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo gỡ vướng Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có các văn bản báo cáo các vướng mắc của 102 dự án bất động sản. Sau đó, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã chỉ đạo và giao các sở ngành khẩn trương nghiên cứu nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp, kịp thời trao đổi, làm việc và hướng dẫn các chủ đầu tư dự án thực hiện theo đúng quy định pháp luật… Chủ tịch UBND TP chỉ đạo trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, khẩn trương báo cáo xin ý kiến UBND TP để xem xét, quyết định, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP trong 30 ngày làm việc. Ngày 21-5 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành để xem xét, xác định hướng xử lý các dự án.
|
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
LIÊN HỆ TƯ VẤN
Cảm ơn Quý Khách Đã gửi thông tin.