Chính phủ ban hành Nghị quyết 33 gỡ khó cho thị trường bất động sản, có nhiều giải pháp về tín dụng

Ngày 11/3 vừa qua, chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP cung cấp một số giải pháp nhằm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững…Với nghị quyết 33 của Chính phủ này sẽ mang tới điều kiện để phục hồi, vực dậy thị trường BĐS Việt Nam trong năm tới.

Nghị quyết 33 của Chính phủ gỡ khó cho thị trường bất động sản, có nhiều giải pháp về tín dụng

Trong nghị quyết 33 của Chính phủ nêu rõ vai trò quan trọng của thị trường bất động sản trong nền kinh tế. BĐS cũng tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, trong năm 2022 và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của tình hình kinh tế. Trong đầu năm 2023, thị trường này mới đang trong quá trình phục hồi phát triển nhưng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Một số tồn tại, hạn chế kéo dài từ trước chưa thể khắc phục triệt để, như: hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó là nhiều dự án bất động sản tại các địa phương gặp nhiều bất cập trong triển khai thực hiện. Những yếu tố này đã dẫn đến nguồn cung bất động sản, nhà ở giảm nhiều so với thời gian trước. Mặt khác, cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm BĐS thuộc phân khúc cao cấp, trong khi thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp và trung bình.

Thị trường, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, huy động vốn của khách hàng. Đây là nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án. 

Trước những bất cập và hạn chế tồn tại này, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và ban hành nhiều Công điện (số 1156/CĐ-TTg, số 1163/CĐ-TTg, số 1164/CĐ-TTg…).Nghị quyết và các công điện thực hiện chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp cả dài hạn và ngắn hạn để gỡ vướng, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thực hiện theo nghị quyết, tổ công tác, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương sẽ tích cực triển khai, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Mặc dù vào đầu năm 2023 này, tình hình thị trường bất động sản đã có những chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc và bất cập về thể chế, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu… và tổ chức thực thi của địa phương. Những khó khăn này cần được tập trung tháo gỡ, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Do đó, Chính phủ thống nhất chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương về một số giải pháp để gỡ khó cho thị trường.

Nghị quyết 33 của Chính phủ gỡ khó cho thị trường bất động sản, có nhiều giải pháp về tín dụng
Nghị quyết 33 của Chính phủ gỡ khó cho thị trường bất động sản, có nhiều giải pháp về tín dụng

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế xây dựng, kinh doanh nhà ở BĐS

Tiếp tục hoàn thiện thể chế là giải pháp và chỉ đạo đầu tiên của Chính phủ trong nghị quyết này. Nghiên cứu hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở bất động sản một cách đồng bộ, có tính thiết thực và đảm bảo tính khả thi.

Trong đó, yêu cầu khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đấu giá (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi)… Đồng thời, tích cực nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội”.

Chính Phủ cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Các nghị định được sửa đổi, bổ sung sẽ giúp tháo gỡ những hạn chế và khó khăn trong việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản. Những sửa đổi này sẽ phù hợp hơn với tình hình thực tiễn và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Cụ thể, nghị quyết 33 của Chính Phủ yêu cầu tập trung hoàn thiện và ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng”. Hoàn thiện và ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai”. Đây là yếu tố giúp giải quyết những vướng mắc liên quan đến thủ tục về đất đai, định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với bất động sản không phải nhà ở (bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, văn phòng…).

Cùng với đó, Nghị quyết của Chính Phủ cũng nêu rõ, cần nghiên cứu xây dựng và ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư”. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và ban hành “Nghị định quy định về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị” để các địa phương thực hiện thuận lợi và thống nhất.

Song song với những yêu cầu này ,Chính phủ đề nghị các địa phương cần ban hành ngay các quy định, hướng dẫn, giải pháp tháo gỡ đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương để phát triển BĐS địa phương mạnh mẽ hơn. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định.

Ngoài ra, nghị quyết 33 của Chính phủ cũng yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.

Hai là, tạo động lực phát triển cho nhà ở xã hội bằng cách tích cực gỡ vướng

Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển BĐS thì cần chú trọng vào thúc đẩy đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội. Trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, trong phát triển nhà ở nói chung, phát triển nhà ở xã hội nói riêng, thì Chính phủ cần xây dựng, nghiên cứu và trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội”. Đây sẽ là nghị quyết giúp giải quyết những vướng mắc cho nhà ở xã hội, tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Các bộ ngành cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề nổi cộm đang rất nóng hiện nay như: vấn đề giao đất để đầu tư xây dựng NOXH; quy hoạch, bố trí quỹ đất dành cho NOXH. Bên cạnh đó là có những chính sách để việc lựa chọn chủ đầu tư NOXH, giải quyết quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua NOXH. Đồng thời, cần phải xác định rõ đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách NOXH một cách cụ thể.

Nghị quyết 33 của chính phủ cũng yêu cầu bộ ngành khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án: “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” nhằm tạo điều kiện phát triển NOXH, cung cấp nhà ở phù hợp cho người có thu nhập thấp có nhu cầu cao về nhà ở.

nghị quyết 33 của chính phủ gỡ vướng cho thị trường bđs

Nghị quyết 33 của chính phủ đề cập đến việc tạo điều kiện cho phát triển nhà ở xã hội

Ngoài ra, để hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030) để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) trên thị trường trong từng thời kỳ và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể.

Ba là, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người mua nhà ở BĐS được tiếp cận tín dụng

Đối với vấn đề nguồn vốn tín dụng, nghị quyết cũng yêu cầu cần  tiếp tục điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Các bộ ngành liên quan cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước, đáp ứng cho nhu cầu phát triển nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung.

Chính phủ yêu cầu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…); tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và đúng hạn; ưu tiên các dự án bất động sản nhà ở, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, có hiệu quả, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, công nghiệp, du lịch…

Đồng thời, có biện pháp phù hợp, hiệu quả để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và phát triển.

Bốn là, thúc đẩy và kiểm soát hoạt động huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp

Thứ tư, về nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp, nghị quyết 33 của Chính phủ yêu cầu chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, hoạt động huy động vốn (bao gồm hoạt động phát hành trái phiếu) của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, cũng cần kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Mặt khác, cần phải tạo điều kiện tốt nhất có thể cho các doanh nghiệp huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển.

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp đồng bộ nhằm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách an toàn, lành mạnh, bền vững.

Đánh giá bài viết

LIÊN HỆ TƯ VẤN

.
.
.
.