Đề xuất sớm xây dựng cảng biển du lịch Cần Giờ

Nhận thấy nhiều tiềm năng về phát triển du lịch đường thủy chưa được khai thác triệt để, Lãnh đạo Cảng vụ hàng hải TP.HCM kiến nghị sớm xây dựng cảng biển du lịch Cần Giờ để phát triển giao thông và thu hút khách du lịch đường thuỷ chuyên dụng.

Hình ảnh xã Thạnh An, huyện Cần Giờ

Đây là đề xuất của ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cảng vụ hàng hải TP.HCM, đưa ra tại Hội nghị phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy.

Theo đó, TP.HCM có hơn 900 km đường thuỷ, chỉ tương đương khoảng 50% so với đường bộ. Hệ thống sông, rạch kết nối với nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, cả giao thông và du lịch đường thuỷ trên địa bàn vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Thành phố hiện đã có các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy cố định như: Tuyến buýt đường thủy từ bến Bạch Đằng, Quận 1 đi bến Linh Đông, TP. Thủ Đức; tuyến tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng đi Củ Chi, Thủ Dầu Một, Bình Dương; tuyến tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng đi Vũng Tàu.

Ngoài ra, còn một số tuyến du lịch bằng du thuyền, tàu nhà hàng ẩm thực giải trí về đêm trên sông Sài Gòn, đoạn từ hạ lưu sông đến Mũi Đèn Đỏ; tuyến thuyền nhỏ hướng dẫn tham quan du lịch nội đô trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Các tuyến vận tải hành khách du lịch đi theo hợp đồng chuyến từ các tuyến ở trung tâm của thành phố đi Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi, Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh ĐBSCL.

Vận tải hành khách ngang sông hiện có 27 tuyến kết nối thông thương giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và trong phạm vi thành phố, góp phần phát triển giao thông đường thủy kết nối liên vùng cà giảm tải giao thông cho đường bộ.

Du lịch bằng tàu biển đến từ các nước trên thế giới được cho cập bến cảng Nhà Rồng ở Khánh Hội, Quận 4; cảng Cát Lái, TP. Thủ Đức và cảng Hiệp Phước, quận Nhà Bè.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong quá trình phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy, thành phố gặp phải những khó khăn như: Quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng cảng, bến, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách và khách du lịch còn hạn chế. Ngoài ra, chưa có cơ chế về giao, cho thuê đất để đầu tư xây dựng bến thủy nội địa phục vụ phát triển vận tải hành khách và du lịch.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức) nhận định, TP.HCM có thế mạnh là mạng lưới đường thủy dày đặc, cùng với bề dày văn hóa lịch sử lâu đời rất dễ thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, hiện ngân sách đầu tư cho đường thủy còn hạn chế, chỉ chiếm 5% so với đường bộ. Chuyên gia cho rằng, thành phố cần nghiên cứu quy hoạch tổng thể và tạo cơ chế thu hút đầu tư xây dựng sớm cảng biển du lịch Cần Giờ.

Đánh giá bài viết

LIÊN HỆ TƯ VẤN

.
.
.
.