Bình Dương kế hoạch xây tuyến đường sắt đi Vũng Tàu

Tỉnh Bình Dương dự định xây tuyến đường sắt dài hơn 40 km kết nối tuyến Biên Hoà – Vũng Tàu để vận chuyển hàng hóa từ các KCN đến cảng Cái Mép – Thị Vải.

Ngày 9/7 vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương vừa giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phối hợp với các sở, ngành để nghiên cứu và lập báo cáo tiền khả thi cho dự án đường sắt từ huyện Bàu Bàng đến TP Dĩ An. Đây là tiền đề để kết nối tuyến đường sắt từ TP Dĩ An đến Phước Tân (TP Biên Hòa), nút giao với tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu dài 83 km có điểm dừng cuối là cảng Cái Mép – Thị Vải tổng đầu tư 50.000 tỷ đồng.

đường sắt
Trung tâm huyện Bàu Bàng dự kiến sẽ là điểm đầu tuyến đường sắt Bình Dương nối Bà Rịa – Vũng Tàu.

Đoạn đường sắt TP Dĩ An – huyện Bàu Bàng dài gần 42 km với tổng chi phí dự kiến là 34.300 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn triển khai. Giai đoạn đầu, tỉnh sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng với tổng vốn khoảng 9.500 tỷ đồng bằng ngân sách; Giai đoạn tiếp theo sẽ xây hệ thống đường ray, nhà ga với kinh phí hơn 24.800 tỷ đồng bằng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc PPP.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương cho biết, tổng chiều dài toàn tuyến từ huyện Bàu Bàng đến cảng Cái Mép – Thị Vải hơn 125 km. Đối với đoạn từ TP Dĩ An đến cảng Cái Mép – Thị Vải, Bộ Giao thông Vận tải đã bổ sung phương án hướng tuyến từ ga Dĩ An đến nút giao Phước Tân vào báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu.

đường sắt
Cần cẩu ở cảng Cái Mép đang bốc xếp container lên tàu hàng. 

Địa phương kiến nghị phía tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu ủng hộ phương án kết nối đường sắt này. Hiện, Bình Dương được xem là thủ phủ công nghiệp của khu vực Đông Nam Bộ. Song việc vận chuyển hàng hoá tới các cảng, nhất là cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải vẫn gặp nhiều khó khăn, do tuyến huyết mạch là quốc lộ 51 thường xuyên ùn tắc làm đội chi phí.

Trước đó, lãnh đạo ba tỉnh thành là TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã thống nhất kéo dài tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên về TP Biên Hòa và TP Thủ Dầu Một. Trong đó, nhánh tới Bình Dương dài gần 30 km được xây trên cao từ nút giao Bình Chuẩn đi thị xã Bến Cát, Tân Uyên và TP Thủ Dầu Một.

Theo quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, đến năm 2030, khu vực phía nam sẽ có 4 tuyến đường sắt gồm: Biên Hòa – Vũng Tàu; TP HCM – Cần Thơ dài 174 km; TP HCM – Lộc Ninh (Bình Phước) dài 128 km; Thủ Thiêm (TP HCM) – Long Thành (Đồng Nai) dài hơn 37 km.

So với đường bộ, hàng không và đường biển, đường sắt có ưu thế về giá cước thấp, chở được nhiều hàng hóa nặng, thời gian vận chuyển ít thay đổi do lịch trình cố định. Song, loại hình giao thông này có tính linh hoạt không cao, chỉ vận chuyển một tuyến cố định, không phù hợp hàng hóa cần chuyển nhanh và phải kết hợp loại hình khác để giao hàng tận nơi.

Đánh giá bài viết

LIÊN HỆ TƯ VẤN

.
.
.
.